TƯ DUY LẠI VỀ 2 CHỮ “BIẾT ƠN”

Nội dung bài viết

“Biết ơn” – Sợi dây nhân duyên hay duyên nợ

Biết ơn theo mình cảm nhận là một sự cảm ơn thái quá. Đọc 2 chữ cũng đã thấy khác nhau rồi.
“Thật sự cảm ơn” và “Thật sự biết ơn”.

Đối với người giúp mình, biết ơn là cảm giác mình mắc nợ họ một điều gì đó. Càng kéo dài sự biết ơn thì sợi dây duyên nợ càng dài, càng suy diễn về cách đáp lại ơn huệ (bản chất là thỏa mãn lòng biết ơn) thì dợi dây càng rườm rà, loằng ngoằng.

Thực tế như đối với những người thầy có ảnh hưởng lớn tới hành trình trưởng thành của mình, trước đây mình thường có cảm giác họ như một quý nhân, nếu không có họ thì sẽ không có mình. Từ đó, sinh ra những suy tưởng về cách để đền đáp công ơn một cách thái quá như: năm nào cũng phải qua chúc Tết cho được, quà phải to thế này thế kia mới thể hiện được tấm lòng, biếu thầy phải biếu loại này vì loại kia thầy không thích, màu sắc phải là màu này vì màu này thầy ưng,…và như thế, một cái khuôn ra đời.

Hay đối với việc thờ cúng tổ tiên, dân ta có truyền thống đặt bàn thờ tổ tiên để ghi nhớ công ơn sinh thành và để hướng về cội nguồn. Mọi thứ sẽ trở nên bình thường cho tới khi “sự biết ơn sâu sắc” dẫn chúng ta tới những hành động thái quá như: thắp hương phải thắp đúng 3 nén nhang thắp 1 nén hay 2 nén là không được; phải vái, phải lạy phải quỳ để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc; mua hoa quả bày lên ban là phải còn nguyên lá, mua là phải mua quả này không mua quả kia vì quả đó bị quan niệm là bla..bla, nấu món này chứ không được nấu món kia, vì như thế là hỗn với người đã khuất; tiền giấy là phải đủ đinh, vàng,…

Ngược lại, về phía người nhận sự “biết ơn”.

Khi chúng ta biết ơn ai đó thái quá ta cũng sẽ vô tình hình thành và sinh ra một khuôn mẫu cho lòng biết ơn và vô thức áp cái khuôn đó cho những người mà chúng ta giúp đỡ. Nếu họ không cảm ơn, không quà cáp thể hiện sự ghi nhớ ơn huệ, mình nảy sinh sự khó chịu, phán xét, đánh giá thậm chí nói họ bội bạc, qua cầu rút ván nọ kia. Nếu ai đó đáp lại bằng một lòng biết ơn thái quá, thì lại thấy mừng rơn rơn, thấy lâng lâng, mơn man, ấm lòng. Thực bản chất, cảm giác đó chỉ là cái thỏa mãn của sự ngạo mạn ngầm bên trong, cảm thấy mình cao hơn họ, giỏi hơn họ, nhờ có mình mà họ được như ngày hôm nay.

Vậy đó, nên một số người tự xưng là thầy, lao ra ngoài xây dựng những cộng đồng học trò để tạo nên danh tiếng. Vỏ bọc là giúp đời, giúp người, lan tỏa giá trị mà đâu biết tâm ngạo mạn đứng đằng sau thôi thúc hành động.

Sự giản đơn của hai chữ “Cảm ơn”

Mọi thứ bắt đầu đi xa quá với bản chất thật sự của nó. Những việc đơn giản bị phức tạp hóa, phóng đại hóa vì sự thái quá của lòng biết ơn.

Thực tế là “cảm ơn” sẽ đi kèm với “tôn trọng”, còn “biết ơn” sẽ kéo theo “tôn sùng”.

Bây giờ cùng quay lại với hai ví dụ điển hình trên, nhưng mình sẽ thay “biết ơn” bằng “cảm ơn”.

Những người đi qua cuộc đời mình, không nhất thiết là phải dạy dỗ mình mà bằng cách này đó họ giúp mình nhận ra được một bài học nào đó, không phân biệt là lớn hay nhỏ, mình cũng đều cảm ơn và trân trọng. Họ giúp mình lúc đó, mình nói lời cảm ơn họ lúc đó. Có qua có lại, thế là đủ. Nếu sau này họ cần, mình giúp được gì thì giúp, không thì thôi, không bị vướng mắc nhân duyên rồi dằn vặt là trước họ giúp được mình còn bây giờ mình không giúp được họ.

Cuộc sống bộn bề, nếu thấy nhớ thì qua chơi với nhau, không thì thôi, chẳng mưu cầu để được việc này việc kia làm gì cho mệt. Quà cáp tùy duyên mua tùy duyên nhận, không bám chấp phải thế này thế kia mới gọi là trọn vẹn. Cứ chân thành thôi.

Với việc thờ tự trong gia đình, ngày xưa còn sống ông bà, cụ kị có bắt con cháu phải quỳ gối chắp tay lạy hàng ngày đâu mà bây giờ phải lạy cho được, mới gọi là có hiếu với tổ tiên. Sao kỳ vậy ta? Mình đặt ban thờ người đã khuất là để cảm ơn công ơn sinh thành, trước sống sao thì sau mất vẫn vậy, thế thôi.

Trước ông bà, cụ kị còn sống mình hay về chơi, mình mua quà gì với tâm thế gì thì bây giờ cứ như vậy, chỉ khác là mình tương tác nói chuyện bằng tâm thức thay vì có thân xác hữu hình như trước kia. Mình vẫn tôn trọng người đã khuất, vẫn yêu thương quan tâm như ngày xưa, vậy là đủ.

Sống thực tế và thuận tự nhiên

Có bạn sẽ hỏi “vậy lòng biết ơn đối với vạn vật, với sự sống thì sao”.

Mình xin hỏi: “Nếu chúng ta cứ ngồi đó không làm và liên tục nói biết ơn vũ trụ, biết ơn tạo hóa, biết ơn mọi thứ thì cuộc sống có tốt hơn không hay chỉ có hành động thực tế mới tạo ra giá trị thực tế?”.

Mỗi ngày mình ngủ dậy, biết và nhận thức được sự sống xung quanh, cảm nhận được qua các giác quan để trải nghiệm cuộc sống thực tế, vậy là đủ. Sống trọn vẹn trong khoảnh khắc bằng hành động thực tế, chứ đâu phải ngồi không rồi bay bay theo những cảm nhận, suy diễn, mộng tưởng, xong gọi đó là “thực hành lòng biết ơn”. Đó là xa rời thực tế, chứ đâu phải sống thực tế.

Mọi nhận duyên đến rồi đi đều mang một ý nghĩa nhất định, có vui có buồn, có vấp ngã, có trải nghiệm. Người này mang đến cho mình bài học và đổi lại một cách vô thức mình cũng trả lại cho họ một bài học, không ai nợ ai, mọi thứ đều được tích hợp một cách tự nhiên. Vậy nên, không trọng to nhỏ, lớn bé, mình tôn trọng tất cả, nói lời cảm ơn và xin lỗi khi cần. Vậy thôi, rồi mình lại bước tiếp.

Trên suốt chặng đường tỉnh thức, bắt đầu chỉ mình ta và kết thúc cũng chỉ mình ta.

Trịnh Minh Thắng
Trịnh Minh Thắng

Mình chỉ đơn giản là kẻ nhặt nhạnh tri thức, gom góp kinh nghiệm cho sự trưởng thành của bản thân. Mình sẽ rất vui nếu những chia sẻ mộc mạc này có thể mang lại giá trị nào đó cho bạn.