CÚ NGÃ ĐẦU ĐỜI – BÀI HỌC VỠ LÒNG VỀ QUẢN TRỊ

Nội dung bài viết

Thói quen trong tư duy và cách làm việc của dân chuyên môn

Xuất phát điểm của mình là người làm chuyên môn, cụ thể là Advertiser. Từ khi mình còn là một người nhập môn, chuyên đi học mót kiến thức của đồng nghiệp và các anh chị đi trước (vì mình không có tiền đi học những lớp chuyên sâu), mình đã quen với việc đặt mục tiêu cá nhân và hành động độc lập.

Mình nhận thức rõ bản thân muốn gì và các bước để đạt được mục tiêu ngắn hạn, trung hạn của bản thân. Vậy nên việc tự  xây dựng một lộ trình phát triển trong 6 tháng, 1 năm không phải là việc khó khăn. Từ đó mình đi khá nhanh khi có mục tiêu rõ ràng, vô hình chung tốc độ gia tăng kiến thức và kinh nghiệm cũng tăng theo.

Vì ý thức được mình không có tiền đi học những khóa chuyên sâu như một số bạn cùng trang lứa nên mình rất trân trọng những chia sẻ và góp ý của sếp khi làm chưa tốt một việc gì đó, bởi mình hiểu mình sẽ trưởng thành hơn từ những lời góp ý đó. Có một điểm mà mình có thể tự hào ở bản thân đó là không ngại việc. Hồi sinh viên có một người anh nói với mình rằng “Giá trị của em sẽ được định nghĩa bằng việc em giải quyết được bao nhiêu vấn đề cho người khác”. Lúc đó chưa hiểu đc sâu nhưng cũng biết nôm na là nếu mình có nhiều kinh nghiệm xử lý nhiều vấn đề thì sẽ được xã hội trọng dụng. Nhưng để có kinh nghiệm thì phải có trải nghiệm trước đã. Thế nên mới “không ngại việc”, thậm chí xung phong nhận thêm việc để có nhiều trải nghiệm, đồng thời cũng mở thêm những góc nhìn khác cho bản thân.

Vậy nên, hồi mình làm Advertiser, đa nhiệm lắm. Vừa biết SEO, vừa viết chạy quảng cáo đa kênh, vừa biết viết Content, thiết kế ảnh cơ bản bằng Photoshop, thậm chí còn soạn hợp đồng rồi cũng tự tin đi chốt khách như ai.

Mục tiêu của mình lúc đó là cố gắng tỏa sáng bằng năng lực của chính bản thân trong thời gian ngắn nhất có thể. Nên ngày 8 tiếng đi làm, khi các bạn đồng nghiệp thong thả làm trong 6-7h, 1h ngồi dành ngồi lướt facebook, xem phim; mình đặt mục tiêu hoàn thành công việc trong 5h, còn 3h tranh thủ lên Youtube, Unica, Kyna học kiến thức mới. Tan làm tranh thủ ăn uống nhanh rồi 7h ngồi học tiếp, giải trí bằng đọc sách rồi đi ngủ.

Hồi đó mình chăm thật, bây giờ đỡ r :))) 

Bởi liên tục cày như vậy nên mình đi khá nhanh.
Nhưng…..đó cũng chính là khởi đầu cho cú ngã đầu đời về quản trị.

Ngộ nhận về vai trò của người quản lý

Với những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, mình được cân nhắc lên vị trí quản lý.
Các bạn biết đấy. Với cái sự tự tin sẵn có, với những kết quả công việc đã được chứng minh, đặc biệt lại với một vị trí mới, “cấp quản lý”, cái TÔI của mình được đẩy lên cao độ.

Với một suy nghĩ nông cạn rằng “mình làm quản lý vì mình giỏi và mình có quyền yêu cầu cấp dưới làm theo mình, noi gương mình”.

Kể từ ngày được gắn cái mác quản lý, được jion vào công việc của từng nhân sự dưới quyền, mình nhận thấy các bạn thiếu rất nhiều cả về tư duy phát triển bản thân lẫn kiến thức chuyên môn. Và, đó là lúc cái TÔI có cơ hội được bộc phát mạnh hơn nữa.

Mình lấy bản thân ra để tham chiếu, cố gắng chứng minh rằng mình giỏi, đồng thời chỉ ra điểm yếu của từng nhân viên với mục đích để các bạn đó nể phục và nghe theo.

Thế nhưng, mọi như gần như đi ngược lại so với hình dung. Đáp lại kỳ vọng là một thái độ thờ ơ, nghe cho có chứ không thực sự muốn nghe, công việc vẫn rời rạc như thế, còn khoảng cách giữa mình và nhân viên thì càng ngày càng xa.

Cảm giác đó như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào cái chức danh “quản lý” của mình.
“Tại sao mình là quản lý mà nói nhân viên không nghe? Có phải anh em sợ mình nói ra điểm yếu, sự mất hình tượng, ngại thay đổi  không? Hay các bạn không thích mình vì điều gì ?….” Hàng loạt câu hỏi vây xung quanh hàng ngày như câu trả lời nằm ở một nơi nào đó rất xa mà lúc đó mình chưa chạm vào được.

“Nói không nghe thì đe phải sợ” – Mình tự nhủ với bản thân, trong bối cảnh công việc phía trên vẫn giao xuống, tiến độ thì căng như dây đàn mà nhân viên lại không chịu phối hợp hoặc chỉ làm cho xong.
Ngay sau đó, hàng loạt quy tắc được mình đề ra và ốp xuống dưới kèm theo tối hậu thư “Ai không làm được theo thì mời nghỉ. Công việc không chờ đợi ai”.

Khi mọi thứ đã đi quá xa

Sau khoảng 2 tuần, một bạn nhân viên xin nghỉ. Mình vẫn ung dung kiểu “Bạn không theo được thì dừng cuộc chơi là đúng rồi”.

Nhưng rồi khi mình vô tình biết tin một số bạn khác trong team cũng nhen nhóm ý định chuyển sang công ty khác. Lúc này mình mới thực sự bắt đầu nhìn nhận lại bản thân. Nếu một người xin nghỉ việc thì có thể do vấn đề cá nhân bạn đó, còn nếu nhiều người cùng xin nghỉ thì chắc chắn là do cách quản lý của mình rồi. “Nhưng tại sao nhỉ? Mình vẫn không hiểu nổi!”.

Những ngày sau đó, cảm giác cô đơn, trống trải bủa vây mọi ngóc ngách, đặc biệt là khi tiếp xúc với nhân viên. Các bạn e sợ  và có ý muốn lánh mặt mình bất cứ lúc nào có thể, nếu không phải nói về công việc.

Không chỉ các bạn tụt mood mà bản thân mình cũng vậy. Sau 3 tháng làm quản lý, từ một người hoạt bát, vui tươi, sẵn sàng lăn xả vào công việc không mệt mỏi, nay bỗng trở thành một người mặt mày cau có, đăm chiêu. Sự cô đơn và ức chế xâm chiếm tâm trí, thế chỗ cho những ý tưởng mới mẻ. “Điều gì đang xảy ra ở đây vậy ?”

Hành trình nhận thức và thay đổi bản thân

Chênh vênh giữa vô vàn câu hỏi tự vấn, vô định trên hành trình tìm câu trả lời, mình tình cờ biết được cuốn sách “Nhà lãnh đạo không chức danh” trong một lần dạo quanh hiệu sách.

May mắn đã tới và mình đã tìm được câu trả lời. Sự vỡ òa cứ thế nối tiếp nhau qua từng trang sách. Mình đã đọc nó ngấu nghiến trong một buổi tối và dành ra một tuần sau đó nghiền ngẫm, chiêm nghiệm. Và rồi sự nhận thức về bài học sau những sai lầm đầu tiên trong quản trị mới thực sự bắt đầu:

– Mình nhận ra đã sai ngay từ đầu khi cố gắng chứng tỏ trình độ và cái tôi với nhân viên. Mình học được rằng một nhà quản trị cần biết cất cái tôi của mình đi và để nhân viên lên tiếng, giúp họ nhận ra điểm mạnh của bản thân và để họ tỏa sáng, thay vì trì chiết điểm yếu và chứng minh là họ đang kém cỏi.

– Mình nhận ra bản thân đã lạm quyền, ốp nhân viên bằng chức danh, họ làm vì bị ép làm chứ không phải tâm phục khẩu phục mà làm. Nếu bỏ chức danh đi thì mình chẳng là ai với họ cả, nói chắc chắn không ai nghe, đe không ai sợ. Mọi sự tưởng tượng về cái oai của người quản lý trước đó chỉ là tự huyễn hoặc mà thôi.

– Mình nhận ra mình chẳng hiểu gì về từng bạn trong team cả, ngoài năng lực triển khai công việc. Trong khi các bạn có thể thoải mái nói chuyện với nhau về đời sống cá nhân, biết rõ đặc điểm sở thích của nhau thì mình chẳng có gì để nói ngoài mục tiêu và công việc.

Sau 1 tuần nhìn nhận bản thân, mình gọi các bạn lại và đổi bối cảnh là quán trà đá thay vì không khí phòng họp, chia sẻ những bài học mới vỡ của một tay quản lý gà mờ, kèm theo lời xin lỗi. Kết quả nhận lại thật sự khiến mình ngạc nhiên. Thay vì cảm giác bẽ bàng, mình nhận lại được những ánh mắt tôn trọng, những cảm xúc và chia sẻ chân thành từ các bạn đó.
Còn nhớ một bạn có nói “May anh nhận ra chứ không sang tháng là em tính nghỉ rồi đấy”.

Giai đoạn từ khi nhận thức ra sai lầm cho tới khi xây dựng lại niềm tin với đội ngũ nhân viên không còn quá khó khăn nhưng cũng không phải là một khoảng thời gian ngắn, nhưng đó là cái giá phải trả cho những thiếu sót của bản thân.

Bạn thân mến.
Cảm ơn bạn đã đọc những chia sẻ của mình tới tận lúc này.
Đó là bài học đầu tiên của mình về quản trị. Các bạn ạ. Bài học nào dù ít dù nhiều cũng cần phải trả giá và có lẽ phải trả giá thì bài học mới trở nên sâu sắc.

Quản trị là một chặng đường dài thênh thang với rất nhiều ngã rẽ, không có công thức chung cho mọi hoàn cảnh, cũng như không có loại thuốc nào trị được bách bệnh cả.
Nhưng bạn đừng nản chí, hãy cứ dấn thân, cứ bước đi, bạn sẽ trưởng thành lên nhiều đấy.

Một điều cuối cùng mình muốn nhắn nhủ tới bạn rằng ngoài kia có rất nhiều phương pháp quản trị khác nhau, nhưng tất cả đều vô nghĩa nếu thiếu đi hai chữ “chân thành”.

Chúc bạn luôn căng tràn sức trẻ và thật hạnh phúc trong công việc nhé!

Trịnh Minh Thắng
Trịnh Minh Thắng

Mình chỉ đơn giản là kẻ nhặt nhạnh tri thức, gom góp kinh nghiệm cho sự trưởng thành của bản thân. Mình sẽ rất vui nếu những chia sẻ mộc mạc này có thể mang lại giá trị nào đó cho bạn.